Ngày 10/10/2019, tại thành phố Hải Phòng, Tổng công ty Khí Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết các Hợp đồng liên quan đến Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh và Dự án Đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt.
Tham gia Lễ ký kết, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), có ông Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Tập đoàn; các Thành viên HĐTV: ông Đinh Văn Sơn và ông Nguyễn Hùng Dũng; các Phó Tổng giám đốc: ông Nguyễn Xuân Hòa, ông Nguyễn Quốc Thập, ông Lê Xuân Huyên. Tham dự còn có các ông, bà đại diện các Ban chuyên môn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Về phía Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), có ông Nguyễn Sinh Khang – Chủ tịch HĐQT, ông Dương Mạnh Sơn – Tổng giám đốc; các ông, bà trong HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát và đại diện các Ban chuyên môn, đơn vị của PV GAS.
Tại buổi lễ, PV GAS đã tiến hành ký kết các hợp đồng: Hợp đồng EPC phần đường ống biển; Sản xuất ống; Bọc ống thuộc Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh giữa Tổng công ty Khí Việt Nam (mà đại diện là Ban QLDA Khí Đông Nam Bộ – PVSEG) với các Nhà thầu Technip Geoproduction (M) SDN BHD (TECHNIP)/ Công ty CP Sản xuất ống thép Dầu khí VN (PV PIPE)/ Công ty CP Bọc ống Dầu khí VN (PV COATING) và Hợp đồng EPC Sao Vàng – Đại Nguyệt thuộc Dự án Đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt giữa Tổng công ty Khí Việt Nam (mà đại diện là Công ty Quản lý dự án khí – DAK) với Tổng thầu là Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC).
Nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào năm 2015 với 151km tuyến ống biển từ KP 207.5 đến giàn BK-Thiên Ưng.
Quy mô đầu tư giai đoạn 2 của Dự án Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh bao gồm: Đường ống biển dài khoảng 118 km, đường kính 26’ từ KP 207.5 đến trạm tiếp bờ Long Hải; Đường ống bờ và các trạm bao gồm: Trạm tiếp bờ tại Long Hải (LFS), Tuyến ống từ trạm tiếp bờ Long Hải đến Nhà máy Xử lý Khí (GPP2) tại Dinh Cố dài khoảng 08 km đường kính 26”, Tuyến ống dẫn sản phẩm khí khô từ GPP2 đến GDC Phú Mỹ: dài khoảng 29,5km đường kính 30”; 01 trạm van ngắt tuyến tại Phước Hòa và hệ thống tiếp nhận khí NCS2 tại trung tâm phân phối khí Phú Mỹ; 02 tuyến ống dẫn sản phẩm (Condensate 6” và LPG 6”) dài khoảng 25km từ GPP2 đến Thị Vải và 03 trạm van ngắt tuyến dọc theo tuyến ống; Nhà máy Xử lý Khí (GPP2) tại Dinh Cố.
Giai đoạn 2 của Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh bao gồm các gói thầu chính: EPC phần đường ống biển (EPC-1); EPC nhà máy GPP2 (EPC-2); EPC phần đường ống bờ và các trạm (EPC-3); Mua sắm thép tấm; Sản xuất ống thép; Bọc ống; và một số gói thầu khác. Trong đó, gói thầu EPC phần đường ống biển (EPC-1) sẽ do nhà thầu TECHNIP thực hiện là một trong các gói thầu quan trọng của Dự án, với phạm vi công việc bao gồm: Khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công; mua sắm vật tư thiết bị (ngoại trừ ống 26” đã được bọc bê tông được cấp bởi Chủ đầu tư) và thi công, lắp đặt khoảng 118km đường ống biển, đường kính 26” từ điểm cuối của Giai đoạn 1 tại Bạch Hổ đến Long Hải (nhà thầu EPC-1 chịu trách nhiệm kết nối phần đường ống biển của Giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Dự án). PVPIPE và PVCoating thực hiện sản xuất ống và bọc ống cho 126km đường ống dẫn khí có đường kính 26” và 29,5km đường kính 30”.
Việc ký kết 3 hợp đồng đã nêu nhằm đảm bảo mục tiêu: hoàn thành đấu nối với phần đường ống biển và sẵn sàng tiếp nhận khí Sao Vàng – Đại Nguyệt dự kiến vào quý III/2020.
Dự án Thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt cũng mang ý nghĩa quan trọng và có tính khẩn trương không kém: Đây chính là quá trình đầu tư xây dựng đường ống từ giàn nén Sao Vàng kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 hiện hữu, đồng thời kết nối với mỏ Thiên Ưng – Đại Hùng nhằm thu gom và vận chuyển về bờ sản lượng khí Sao Vàng – Đại Nguyệt và Thiên Ưng – Đại Hùng. Dự kiến khi hoàn thành công trình vào cuối Qúy III/2020, sẽ đưa sản lượng khí khoảng 2-3 tỷ m3/năm về bờ, bổ sung nguồn khí cho khu vực Đông Nam bộ. Dự án tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng công nghiệp khí sẵn có của PV GAS, nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án, cũng như hiệu quả khai thác khí ngoài khơi. Đường ống thu gom vận chuyển khí này có công suất thiết kế tương đương 7.9 triệu m3 khí/ngày đêm.
Tại buổi lễ, ông Lê Đức Hiệu – Trưởng Ban QLDA Khí Đông Nam Bộ và ông Trần Văn Du – Giám đốc DAK là 2 đơn vị được PV GAS trao quyền đại diện đã cùng các nhà thầu/tổng thầu thực hiện ký kết hợp đồng, với sự chứng kiến của lãnh đạo PVN và PV GAS,
Phát biểu tại lễ ký kết, đại diện các nhà thầu là ông Torfinn Akselsen – Phó chủ tịch khu vực Châu Á của TECHNIP đã phát biểu cam kết, thể hiện quyết tâm nỗ lực phối hợp của các bên, nhằm triển khai các Hợp đồng với mục tiêu: an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ. Ông cũng nhấn mạnh vinh dự và trách nhiệm của các nhà thầu/Tổng thầu khi được tham gia Dự án đặc biệt quan trọng này, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất điện và luôn được Chính phủ, PVN và PV GAS đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ sát sao.
Chúc mừng các bên tham gia các dự án quan trọng vừa được ký kết, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN đã đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm thực hiện thành công các hợp đồng của các bên, thể hiện sự tin tưởng vào năng lực và kinh nghiệm của PV GAS với vai trò Chủ đầu tư. Ông cũng phát biểu mong rằng Tổng thầu PTSC, Nhà thầu TECHNIP, Nhà thầu PV PIPE, Nhà thầu Công ty Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV COATING) nhận thức rõ về các yêu cầu của Chủ đầu tư, hoàn thành các phần công việc, gói thầu được giao, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ và đúng thủ tục/quy trình.
Tin tưởng rằng, từ đây, các hạng mục công trình của Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 và Dự án Thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt hoàn thành và đi vào vận hành sẽ góp phần ổn định an ninh năng lượng Quốc gia, bổ sung nguồn khí để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước ngày càng tăng cao.