Niềm Đam Mê Nghề Nghiệp Và Khát Khao Học Hỏi Của Kỹ Sư Trương Quang Huy

Kỹ sư Trương Quang Huy quan niệm: “Không cần biết quá nhiều điều, chỉ cần biết nhiều về một điều cụ thể”. Nhận định kiến thức là vô hạn, nên anh luôn chia nhỏ mục tiêu để chinh phục với kết quả tốt nhất có thể.

Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu Khí quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế. PV Gas có bảy công ty thành viên, bao gồm: Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D) , Công ty CP Kinh doanh Khí miền Nam (PV Gas South), Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Bắc (PV Gas North), , Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép Dầu Khí Việt Nam (PV Pipe), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG), Công ty liên danh LNG Việt Nam (LNG).

Trương Quang Huy rời quê hương Bình Định với quyết tâm học ngành kỹ thuật. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM chuyên ngành tự động hóa năm 2010, Huy gia nhập CFT Vina Cooper (thuộc Tập đoàn Toyota – Nhật Bản). Sự khởi đầu này đã cho anh nhiều cơ hội bổ sung kiến thức chuyên môn, tiếp cận phong cách làm việc trách nhiệm, hiệu quả của người Nhật.

Kỹ sư Trương Quang Huy

Kỹ sư Trương Quang Huy

Năm 2013, Huy mạnh dạn thử sức ở một môi trường mới, nổi tiếng về sự chuyên nghiệp, đó là Công ty Khí Cà Mau (KCM), thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS/PetroVietnam Gas). Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Huy vì môi trường mới chuyên nghiệp, năng động, giúp Huy trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, phát huy sáng kiến cải tiến đúng với khẩu hiệu của PV GAS “chuyên nghiệp – trách nhiệm – sáng tạo – kết nối”.

Đam mê sáng tạo

Khi con người hăng say trong lao động, đam mê cháy bỏng trong công việc thì sẽ tạo ra những giá trị lớn. Có những thời điểm Huy làm việc liên tục 16 giờ mỗi ngày. Hết giờ ngoài công trường, anh cùng đồng nghiệp mày mò nghiên cứu, cải tiến công nghệ cũ và đưa công nghệ mới vào vận hành. Không có gì ngạc nhiên khi chàng kỹ sư trẻ năm nào giờ đã là đốc công quản lý nhóm kỹ sư điều khiển trẻ tuổi (hầu hết mọi người trong nhóm đều dưới 30 tuổi). Nhiệm vụ nhóm kỹ sư của Huy là phụ trách chính về công tác bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý các hư hỏng, sự cố, cải hoán, nâng cấp hệ thống điều khiển và thiết bị đo lường công nghệ tại Nhà máy Xử lý khí Cà Mau và các trạm phân phối khí PM3 – Cà Mau cho các hộ tiêu thụ thuộc Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau.

Một trong những đam mê của Huy là không ngừng sáng tạo trong công việc, luôn luôn nghiên cứu các công nghệ, kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất để đem lại lợi ích lớn cho công ty, cho ngành Dầu khí. Với niềm đam mê của mình, Huy đã cùng đồng nghiệp có những sáng kiến được công nhận ở cấp Tổng công ty và được đề xuất công nhận ở cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Điển hình như sáng kiến “Thiết kế hệ thống điều khiển Local cho cụm Heater Fuel Gas cấp khí cho máy nén tại trạm LFS”, làm tăng tính dự phòng cho hệ thống điều khiển máy nén tại trạm tiếp bờ LFS trong trường hợp lỗi từ hệ thống điều khiển chính gây dừng máy nén. Hiệu quả kinh tế của sáng kiến đem lại ước tính khoảng 450 triệu đồng/mỗi lần dừng máy. Đặc biệt, năm 2016, sáng kiến “Đồng bộ hóa phiên bản Database để đưa 2 Bus V-net nội trạm của hệ thống Safety ra Mimic Panel” của Huy và đồng nghiệp đã vinh dự được trao “Giải thưởng sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 10” với giá trị làm lợi 1,22 tỉ đồng.

Năm 2018 là năm Huy phát huy tốt, tận dụng toàn bộ kiến thức và kinh nghiệm sau nhiều năm lao động và học tập để tạo ra một loạt các sáng kiến hay. Sau khi Nhà máy Xử lý khí Cà Mau đi vào hoạt động (tháng 11-2017), nhiều sáng kiến, cải tiến nhằm hoàn thiện và hợp lý hóa sản xuất mà Huy tham gia có thể kể đến như: Sáng kiến “Thiết kế, lắp đặt, cài đặt chế độ điều khiển Web Server cho các Heater H-1741/H-1781/H-1782 dự phòng trong điều kiện thời tiết mưa bão hoặc không điều khiển được từ màn hình Local”, ước tính hiệu quả kinh tế đem lại 3,5 tỉ đồng/mỗi lần dừng Heater. Sáng kiến “Giải pháp lập trình DCS Honeywell thu thập dữ liệu giám sát và tự động hóa các quá trình tính toán để tối ưu công nghệ nhà máy GPP Cà Mau”, làm lợi khoảng 5 tỉ đồng. Còn nhiều sáng kiến khác nữa góp phần cải hoán, tăng tuổi thọ của thiết bị, bảo đảm thiết bị luôn trong trạng thái sẵn sàng, nâng cao độ tin cậy của cụm cấp khí cho khách hàng của Nhà máy Xử lý khí Cà Mau.

Với những kết quả tích cực đó, Trương Quang Huy đã được Công đoàn Dầu khí Việt Nam tuyên dương “Người lao động Dầu khí tiêu biểu”.

Tích cực học tập, làm chủ công nghệ

Khi hỏi Trương Quang Huy về lực lượng lao động trẻ ở KCM, chàng kỹ sư trẻ nói: “Kỹ sư ở KCM giỏi lắm. Toàn kỹ sư trẻ thôi, trẻ mà làm chủ công nghệ, rất chịu khó học hỏi kỹ thuật mới. Họ là làn gió mới làm mát cả công trường Cà Mau”.

Huy chia sẻ, hệ thống điều khiển tại KCM hoạt động ổn định là sự chung tay chung sức của cả tập thể kỹ sư, người lao động KCM chứ không riêng bản thân Huy. Do đặc thù là trung tâm phân phối chính cho cả Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau nên khi lỗi xảy ra sẽ dẫn đến dừng hoạt động luôn cả cụm công nghiệp, gây thiệt hại rất lớn và ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện quốc gia nếu dừng đột ngột 2 nhà máy điện Cà Mau. Vì vậy, các kỹ sư trong mảng điều khiển KCM luôn cố gắng bảo đảm hệ thống công nghệ hoạt động 24/24h trong 365 ngày, tối ưu hóa thời gian dừng do lỗi hệ thống điều khiển và thiết bị đo lường. Tính đến nay, bằng sự nỗ lực của tập thể kỹ sư, người lao động KCM, hệ thống đang hoạt động tốt, chưa để xảy ra thời gian dừng đột ngột nào do lỗi hệ thống điều khiển và thiết bị đo lường.

Làm việc trong lĩnh vực điều khiển – tự động hóa, Huy nhận thấy rằng, đây là lĩnh vực tương đối phức tạp, công nghệ mới liên tục cập nhật, nên luôn ý thức phải không ngừng học tập, cập nhật kiến thức để bắt kịp với thay đổi.

“Dù đạt nhiều thành tích trong công việc nhưng nếu cứ nhìn vào thành tích mà thỏa mãn thì trước sau gì cũng là người đi lùi”, suy nghĩ đó thôi thúc Huy giữ thói quen thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, làm chủ máy móc thiết bị. Ngoài 30 tuổi, các khóa huấn luyện cứ đẩy anh đi mãi. Hiện tại Huy đang theo học các khóa chuyên sâu như Honeywell, Rockwell, Siemens, Emerson, Yokogawa và lấy chứng chỉ quốc tế của Hiệp hội Tự động hóa toàn cầu ISA (International Society of Automation) để bắt kịp xu thế công nghệ của thế giới cũng như tích lũy kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, Huy cũng có sở thích tự học, tự tìm hiểu từ các nguồn kiến thức về tự động hóa và mày mò thực nghiệm trên các mô hình, đề mô, để kiểm nghiệm, áp dụng các kiến thức từ sách vào thực tiễn cuộc sống và công việc. Huy kể, trong vali công tác của mình luôn có sách nghiên cứu. Anh đọc trong thời gian chờ máy bay hay khi có thời gian trống. Mọi người từng nghe biệt danh “Dương 3 giờ” để nói về thầy Lê Thẩm Dương say mê học tập không bao giờ ngủ trước 3 giờ sáng, thì ở đất mũi Cà Mau, mọi người cũng gắn cho Huy biệt danh “Huy 3 giờ”!

Ngoài ý thức nâng cao nghiệp vụ, Huy còn luôn động viên anh em trong nhóm tích cực tham gia các hoạt động khác. Công tác đoàn thể luôn được Ban Giám đốc KCM quan tâm hỗ trợ và CBCNV hưởng ứng nhiệt tình, bản thân Huy cũng luôn có mặt trong những hoạt động mang tính thiện nguyện, vì cộng đồng như: Hiến máu tình nguyện, chung tay vì người nghèo, tiếp sức đến trường cho trẻ em nghèo vượt khó, trồng cây xanh quanh tuyến ống khí…

Là một kỹ sư trẻ dầu khí năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, luôn mong muốn phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực điều khiển – tự động hóa, kỹ sư trẻ Trương Quang Huy sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của KCM cũng như cho sự phát triển chung của ngành Dầu khí.

Với những kinh nghiệm tích lũy được, Huy chân thành nhắn nhủ với các bạn trẻ dầu khí: “Hãy luôn giữ vững niềm đam mê nghề nghiệp, luôn khát khao học hỏi cái mới, phát huy tính sáng tạo trong công việc, bạn sẽ tìm được con đường đi đến thành công”.

Năm 2016, sáng kiến “Đồng bộ hóa phiên bản Database để đưa 2 Bus V-net nội trạm của hệ thống Safety ra Mimic Panel” của Huy và đồng nghiệp đã vinh dự được trao “Giải thưởng sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 10” với giá trị làm lợi 1,22 tỉ đồng.