Ngày 16/11/2020, tại điểm tiếp nhận khí vào bờ tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã phối hợp tổ chức Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng, thuộc Dự án phát triển mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt đến đường ống tiếp bờ Nam Côn Sơn 2.
Tham dự Lễ, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – Chủ quản đầu tư, có ông Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên; ông Phạm Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc; ông Nguyễn Quốc Thập – Phó Chủ tịch Hội Dầu khí, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn. Về phía các Liên danh Tổng thầu VSP/LILAMA/NAGECO và Tổng thầu PTSC/TECHNIP, có ông Trần Xuân Hoàng – Phó Tổng giám đốc Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP, ông Trần Hồ Bắc – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Về phía PV GAS – Chủ đầu tư, có ông Dương Mạnh Sơn – Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc; các ông bà Thành viên HĐQT, ban Tổng Giám đốc; đại diện lãnh đạo các ban/đơn vị liên quan.
Dự án phát triển mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn là tiền đề cho sự phát triển của chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2, một trong những dự án trọng điểm của PV GAS. Mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt (Lô 05-1b và 05-1c) nằm tại khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp (nhiệt độ cao, áp suất cao) của bể Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km về phía Đông Nam, độ sâu mực nước biển từ 110 – 130m. Ngày 4/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1550/QĐ-TTg phê duyệt trữ lượng dầu khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, làm cơ sở cho việc triển khai phát triển mỏ. Ngày 7/3/2017, Bộ Công Thương có Quyết định số 706/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch phát triển đại cương. Ngày 11/12/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1996/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ, theo đó, mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt (Lô 05-1b và 05-1c) dự kiến bắt đầu khai thác dòng dầu, khí thương mại đầu tiên trong quý IV/2020. Tỷ lệ tham gia của các Chủ mỏ trong Hợp đồng dầu khí (PSC) Lô 05-1b và 05-1c bao gồm: Idemitsu Kosan Co., Ltd.: 43,08% và là Nhà điều hành; Teikoku Oil (Con Son) Co. Ltd.: 36,92% và Tập đoàn Dầu khí: 20%. Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí; 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate; nguồn khí Sao Vàng – Đại Nguyệt sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể có ngân sách nhà nước và nền kinh tế, cũng như đảm bảo các cam kết cấp khí cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam bộ khi các nguồn khí khác bắt đầu suy giảm từ năm 2020 trở đi, trong đó nguồn cung khí cho sản xuất điện từ khu vực Đông Nam bộ chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước.
Chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2 gồm 2 Dự án thành phần (Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh và Dự án Đường ống dẫn khí Sao Vàng – Đại Nguyệt) được Tập đoàn giao cho PV GAS làm Chủ đầu tư với mục tiêu: Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng Ngành Công nghiệp Khí Việt Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý khí mỏ Sư Tử Trắng, Sao Vàng – Đại Nguyệt, Thiên Ưng – Đại Hùng và dự phòng cho đường ống Bạch Hổ – Dinh Cố; Bổ sung công suất tiếp nhận và xử lý khí, tăng tính linh hoạt trong vận hành các công trình khí (giữa nhà máy GPP Dinh Cố, NCS Terminal và GPP2); Bổ sung nguồn khí thiếu hụt khu vực Đông Nam bộ nhằm đảm bảo cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ hiện hữu, phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng; đồng thời làm tiền đề cho việc phát triển các mỏ ở khu vực lân cận trong các giai đoạn sau.
Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 có một chặng đường phát triển dài, bắt đầu từ công tác xem xét, đánh giá, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong những năm cuối của thập kỷ trước. Giai đoạn 1 của Dự án đã được chính thức triển khai từ tháng 4/2013 và hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015 với 151km tuyến ống biển từ giàn BK-Thiên Ưng đến điểm kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại KP 207.5. Giai đoạn 2 của Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 với 118 km đường ống biển từ KP 207.5 đến trạm tiếp bờ Long Hải; khoảng 10 km từ trạm tiếp bờ Long Hải đến Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và khoảng 29km dẫn sản phẩm khí khô đến Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ.
Đồng thời với việc triển khai thực hiện Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2, việc đầu tư xây dựng Đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt với 2 tuyến ống thành phần, trong đó đường ống dẫn khí từ giàn Thiên Ưng đến giàn Sao Vàng chiều dài khoảng 23km và đường ống dài 23km dẫn khí từ giàn Sao Vàng kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại khu vực BK Thiên Ưng cũng được khẩn trương hoàn thành, nhằm thu gom và vận chuyển khoảng 2-3 tỷ m3 khí/năm từ các mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt và Thiên Ưng – Đại Hùng về bờ. Khối lượng công việc của mỗi dự án nêu trên đều là rất lớn, tiến độ triển khai thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị của mỗi dự án khá ngắn (khoảng 12 tháng kể từ khi ký kết các hợp đồng EPC đối với các dự án đường ống biển và đường ống bờ) là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ quản lý dự án của chủ đầu tư cũng như các Tổng thầu.
Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, hầu như toàn bộ các nước trên thế giới đã ban hành lệnh hạn chế đi lại (đặc biệt là các nước Châu Âu – nơi sản xuất các vật tư thiết bị dài hạn cho các dự án) và Việt Nam, Malaysia (nơi đặt trụ sở của tổng thầu EPC đường ống biển NCS2, nhà thầu thi công đường ống biển của dự án SV-ĐN). Thực tế này đã được các bên tham gia thực hiện hàng loạt các giải pháp sáng tạo, mang tính thực tiễn cao, nhằm đảm bảo tiến độ cung cấp vật tư thiết bị dài hạn cho các dự án, nghiên cứu lại công tác nhập cảnh các chuyên gia nước ngoài… Thậm chí còn thực hiện linh hoạt việc huy động các phương tiện, thiết bị, tàu thi công rải ống từ khắp nơi trên thế giới, chuyển một phần về tự chế tạo, để triển khai thi công xây dựng các dự án. Quá trình thực hiện còn phải đối mặt với các khó khăn do điều kiện thời tiết biển năm 2020 đặc biệt phức tạp, với nhiều cơn bão diễn ra liên tục vào những tháng gần đây thuộc giai đoạn cao điểm xây dựng của các dự án. Chính vì vậy, Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên này cũng là sự kiện ghi nhận tất cả nỗ lực và quyết tâm, sự hợp tác hiệu quả để triển khai tích cực Chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2 của Chủ đầu tư – Tổng công ty Khí Việt Nam và các Liên danh Tổng thầu, đưa Chuỗi Dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, chứng kiến dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt hòa vào Đường ống Nam Côn Sơn 2.
Phát biểu chúc mừng sự kiện đặc biệt của toàn ngành Dầu khí, ông Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên PVN; ông Trần Xuân Hoàng – Phó Tổng giám đốc Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro và ông Hoàng Văn Quang – Phó Tổng giám đốc PV GAS đều khẳng định: Mang sứ mệnh lịch sử là đầu tàu năng lượng của nền kinh tế đất nước, trọng trách trở thành Tập đoàn kinh tế trụ cột, những công trình, dự án của PVN đang ngày càng chứng tỏ được vị thế trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, đưa những nguồn năng lượng mới để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhân dịp này, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV GAS trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời từ các Bộ/Ngành Trung ương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; sự hỗ trợ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sự phối hợp chặt chẽ của các Tổng thầu, nhà thầu trong nước và nước ngoài tham gia Chuỗi Dự án; mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong các dự án sắp tới tại khu vực Đông Nam bộ và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao, hỗ trợ PV GAS (PetroVietnam Gas) trong giai đoạn vận hành công trình, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả. Tin tưởng rằng, từ đây, các hạng mục công trình của Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, Sao Vàng – Đại Nguyệt hoàn thành chạy thử và đi vào vận hành sẽ góp phần bổ sung nguồn khí mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước ngày càng tăng cao.
Phó Tổng giám đốc PV GAS Hoàng Văn Quang cũng khẳng định: “Thành công của dự án này là kết quả của sự nỗ lực lao động trên tinh thần đoàn kết nhất trí của tập thể CBCNV Ban QLDA Khí Đông Nam Bộ/Công ty Quản lý dự án Khí/Các đơn vị vận hành của Tổng công ty Khí Việt Nam, sự hỗ trợ kịp thời của các Chủ đường ống hiện hữu Rosneft/Perenco. PV GAS nhiệt liệt biểu dương và cám ơn những đóng góp của các thành viên trực tiếp tham gia chỉ đạo, thực hiện và quản lý dự án đã ngày đêm bám sát công trình để đưa công trình hoàn thành đúng kế hoạch, đạt chất lượng và hiệu quả, có những đóng góp quan trọng vào thành công của Chuỗi dự án”.
Nghi thức đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt đến đường ống Nam Côn Sơn 2 đã diễn ra với sự chứng kiến của các vị đại biểu, trong niềm hân hoan và tin tưởng, hứa hẹn hoàn thành thắng lợi toàn bộ Chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2 trong tương lai gần.