Ngày 26/11/2018, Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT) – đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản lượng được Tổng Công ty giao cho trong năm 2018.
Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu Khí quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế. PV Gas có bảy công ty thành viên, bao gồm: Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam PV Gas D (bao gồm Công ty Cổ phần phân phối khí Thấp áp dầu khí Việt Nam tại Miền Bắc, Nhơn Trạch và Vũng Tàu), Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (PV Gas South), Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Bắc (PV Gas North), , Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép Dầu Khí Việt Nam (PV Pipe), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG), Công ty liên danh LNG Việt Nam (LNG).
Theo đó, vào ngày 20/9/2018, KVT đã hoàn thành chỉ tiêu sản lượng condensate trước 102 ngày. Và một ngày sau khi cơn bão số 9 đi qua (ngày 26/11/2018), KVT đã về đích chỉ tiêu sản lượng LPG trước 35 ngày (với 239 nghìn tấn LPG).
Đây là kết quả đáng ghi nhận, có sự chỉ đạo điều hành rất tâm huyết và quyết liệt của Lãnh đạo Công ty cùng sự nỗ lực của toàn thể CBCNV KVT trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. KVT đã khẳng định sự kết hợp hài hoà của 3 trụ cột then chốt là “Con người”, “Hệ thống quản lý” và “Văn hóa doanh nghiệp”, cùng các hoạt động bổ trợ như phong trào thi đua của Công đoàn, phong trào STOP, 5S, sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất…
Kết quả đạt được thật sự rất ấn tượng bởi bên cạnh những thuận lợi trong năm 2018, PV GAS nói chung, KVT nói riêng đã phải đối mặt với không ít những khó khăn để có thể hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản lượng LPG và condensate đề ra trong năm 2018.
Cụ thể, do nhu cầu sử dụng nguồn khí gaslift tại hệ thống giàn khoan của Vietsovpetro ngày càng tăng, lượng khí Cửu Long về bờ ngày càng giảm, đặc biệt là từ tháng 8/2018. Dự án Nâng cao hệ số thu hồi tại Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (GPP) đã đi vào vận hành từ tháng 4/2018; tuy nhiên, việc Nhà máy Điện Bà Rịa giảm hoặc dừng tiêu thụ trong thời gian dài, dẫn đến áp suất khí đầu ra của GPP tăng cao, làm giảm hiệu suất thu hồi LPG của GPP.
Từ khi có nguồn condensate Thiên Ưng bổ sung, sản lượng condensate và một phần sản lượng LPG của GPP đã gia tăng đáng kể. Nhưng việc tiếp nhận nguồn khí/condensate Thiên Ưng chứa nhiều tạp chất axit và phân đoạn hydrocarbon nặng lại làm tăng rủi ro ăn mòn và giảm hiệu quả của các thiết bị trao đổi nhiệt tại GPP.
Các yếu tố khách quan không mấy thuận lợi đòi hỏi toàn thể ban Lãnh đạo và CBCNV KVT phải nỗ lực hết mình từ khâu vận hành, bảo dưỡng thiết bị, kiểm soát quản lý chất lượng và vận chuyển sản phẩm, dưới sự chỉ đạo liên tục và sát sao của Ban Lãnh đạo, các ban chuyên môn của PV GAS cũng như sự hỗ trợ và đồng hành của các đơn vị liên quan. Rất nhiều tác nghiệp vận hành, kiểm soát hàng ngày được đẩy tăng lên hơn trước đây, để đảm bảo an toàn tối đa cho hệ thống đều đã có thời gian vận hành trên 20 năm.
Việc hoàn thành trước hạn kế hoạch 2018 tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, an toàn – chất lượng – bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh của KVT, tạo động lực phát triển cho KVT trong những năm tiếp theo.