“Đề án tái tạo Văn hoá Petrovietnam” (Đề án) là phương hướng hành động quan trọng, được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề cao như một nhiệm vụ hàng đầu cần hoàn thiện và triển khai trong toàn Tập đoàn trong năm 2020. Mục tiêu của Đề án hướng đến việc toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn hiểu rõ vai trò của văn hoá doanh nghiệp trong sự phát triển bền vững của Tập đoàn, nghiêm túc thực hiện những quy định của văn hoá Petrovietnam; Xây dựng văn hoá nền tảng vững chắc cho văn hoá Petrovietnam; Thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ của đề án trong năm 2020 hiệu quả, thiết thực, lan toả. Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Khí Việt Nam cũng như các đơn vị của Tập đoàn đều chú trọng củng cố và phát triển văn hóa doanh nghiệp, đồng lòng xiết chặt đội ngũ, đảm bảo tin thần lao động Dầu khí, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn thử thách.
Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu Khí quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế. PV Gas có nhiều công ty thành viên, bao gồm: Công ty Bọc ống Dầu khí (PV COATING), Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D), Công ty Khí miền Nam (PV Gas South), Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Bắc (PV Gas North), Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép Dầu Khí Việt Nam (PV Pipe), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG), Công ty liên danh LNG Việt Nam (LNG).
Từ văn hoá Petrovietnam đến văn hoá các đơn vị thành viên
Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai Đề án đã được thành lập ngay từ đầu năm 2020. Theo quyết định, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn là Trưởng Ban Chỉ đạo; Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn là Phó Trưởng ban Thường trực; Đồng chí Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn là Phó Trưởng ban, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo gồm Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn, Trưởng các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN, Trưởng BCĐ đã ngay lập tức nhấn mạnh công tác tái tạo văn hoá Petrovietnam và xây dựng văn hoá doanh nghiệp cần xác định là nhiệm vụ hàng năm của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, với sự tham gia sâu rộng của đội ngũ cán bộ trong ngành từ Cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; cần tham gia, xây dựng kế hoạch và bắt tay thực hiện ngay. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động trong toàn Tập đoàn cùng nêu cao tinh thần đoàn kết, chung tay lan toả Văn hoá Petrovietnam, một nền văn hóa doanh nghiệp đã được các thế hệ “Những người đi tìm lửa” gây dựng và bồi đắp; Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất, phát triển thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, gắn kết giữa các thế hệ người lao động Dầu khí, qua đó xây dựng văn hoá mang bản sắc Petrovietnam trong thời kỳ mới. BCĐ Đề án đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2020, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo; giám sát, tổng hợp, đánh giá kết quả và đề xuất các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch này; đề xuất các hình thức khen thưởng, kỷ luật các tập thể, cá nhân có thành tích và vi phạm trong quá trình triển khai.
Nhằm triển khai kế hoạch 2020, vừa qua, Ban chỉ đạo triển khai Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam (Đề án) đã tổ chức các buổi họp trực tuyến với tất cả các đơn vị thành viên về triển khai xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp tại các đơn vị trên cơ sở Đề án của Tập đoàn. Vừa qua, đồng chí Đỗ Chí Thanh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với PV GAS. Tham dự cuộc họp, về phía Tập đoàn còn có đồng chí Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch Công đoàn; đồng chí Trần Quang Dũng – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn, cùng các thành viên BCĐ Đề án. Về phía PV GAS, có sự tham dự của các đồng chí: Phạm Đăng Nam, Phó Tổng giám đốc; Phan Quốc Nghĩa, Ủy viên HĐQT; Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn, các trưởng – phó Ban chức năng, đại diện các đoàn thể…
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Dũng – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn đã trình bày tóm tắt nội dung, ý nghĩa của Đề án và tình hình triển khai thực hiện Đề án tại Cơ quan Tập đoàn. Trong đó nhấn mạnh, mục tiêu của Đề án là tái tạo, triển khai văn hóa Petrovietnam bài bản, đồng bộ từ Tập đoàn đến các đơn vị. Trong đó, các đơn vị trong Tập đoàn vận dụng Đề án, chủ động xây dựng kế hoạch một cách linh hoạt gắn với những đặc thù và điều kiện cụ thể tại doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều đơn vị trong Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống các giá trị văn hóa của cho riêng mình. Đó chính là điểm thuận lợi cho quá trình tái tạo văn hóa Petrovietnam, là những vật liệu tốt cho quá trình xây dựng, là những sắc màu phong phú cho một bức tranh văn hóa đa dạng.
Tại cuộc họp, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn và Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, ông Đỗ Chí Thanh ghi nhận những nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại PV GAS trong những năm qua. Đồng thời yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo Đề án Tập đoàn cùng các tổ chức chính trị – xã hội, ban chuyên môn liên quan, tăng cường phối hợp, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ trong Đề án một cách thiết thực và hiệu quả nhất, đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và đối phó với ảnh hưởng do giá dầu giảm sâu như hiện nay.
Văn hoá doanh nghiệp PV GAS
Nhắc đến khái niệm VHDN, nhiều người thường ví von rằng đây là “linh hồn doanh nghiệp”, là “nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững”… Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang khá mơ hồ về VHDN, nhiều doanh nhân còn cho rằng đây là vấn đề khá trừu tượng, khó định lượng. Ấy vậy nhưng với 30 năm xây dựng và phát triển PV GAS đã xác định được VHDN của mình một cách rõ nét, được hình thành cùng với quá trình ra đời và phát triển của doanh nghiệp.
Hiện nay, VHDN thường được chia làm 3 cấp độ gồm: Cấp độ 1: Đây là cấp độ văn hóa có thể nhận thấy ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên, những biểu hiện đó được thể hiện thông qua các cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp, bao gồm: Kiến trúc, cách bài trí, công nghệ, sản phẩm; Mô hình cơ cấu tổ chức; các văn bản quy định nguyên tắc hoạt động; Lễ nghi, lễ hội hàng năm; hình thức, mẫu mã sản phẩm; các biểu tượng, logo, khẩu hiệu, đồng phục… Ở cấp độ 2, doanh nghiệp đã xác định và tuyên bố chính thức về: Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, các lễ nghi… Và các thành viên trong doanh nghiệp đã cơ bản nhận thức, hành xử theo các giá trị đã tuyên bố.
Khi doanh nghiệp đạt đến cấp độ 3 thì các giá trị văn hóa mà doanh nghiệp đã tuyên bố mặc nhiên được công nhận, ăn sâu vào tâm lý hầu hết các thành viên doanh nghiệp, chi phối hầu hết các hành vi trong doanh nghiệp, những giá trị văn hóa đó đôi khi là vô thức, mặc nhiên được thừa nhận mà không cần lý giải.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay PV GAS đã trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực khí với hạ tầng công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ đầu tư thượng nguồn, thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến và kinh doanh các sản phẩm khí, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước…. Cùng với quá trình hình thành và phát triển PV GAS đã dần định hình, hình thành và khẳng định trong mình nét văn hóa riêng biệt, truyền thống tốt đẹp của mình.
Trong đó, PV GAS xác định VHDN của Tổng Công ty được kiến tạo với nền tảng 5 giá trị cốt lõi gồm: “Đoàn kết – Chuyên nghiệp – Hiệu quả – An toàn – Đổi mới”. Đáng chú ý là PV GAS đã xây dựng cho cán bộ công nhân viên bộ chuẩn mực hành vi để thực hiện các giá trị cốt lõi trên.
Theo đó, để thực hiện “Đoàn kết”, người lao động PV GAS tâm niệm hành động “vì mục tiêu chung, thống nhất trong chủ trương và hành động, cùng hợp tác và chia sẻ”. Hay sự “Chuyên nghiệp” được thể hiện bằng “xác định mục tiêu rõ ràng; thực hiện công việc theo chuẩn mực; chuyên môn vững vàng; đam mê và tận tâm với công việc; điềm tĩnh cân bằng được lý trí và cảm xúc trong giải quyết vấn đề”. Về giá trị “Hiệu quả”, người lao động PV GAS thực hiện công việc đều phải có “mục tiêu rõ ràng; tối ưu hóa, tránh lãng phí và tiết kiệm nguồn lực; kiến thức vững vàng, kỹ năng thành thục và tập trung cao độ trong thực thi; đảm bảo khối lượng, chất lượng, tiến độ; sản phẩm làm ra phải dùng được”. Đối với giá trị “An toàn”, CBCNV PV GAS luôn chú trọng “phân tích rủi ro, cơ hội, kiểm soát thay đổi trước khi thực hiện công việc để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội cải tiến; chuẩn mực hóa các quá trình thực hiện công việc; tuân thủ các quy trình và quy định làm việc; có ý thức bảo vệ con người, tài sản, môi trường”. Đặc biệt là giá trị “Đổi mới” – động lực chính để PV GAS phát triển không ngừng, người lao động PV GAS “luôn học hỏi, chủ động xác định và lựa chọn cơ hội để cải tiến; có phương pháp làm việc mới mang lại hiệu quả cao; ứng dụng các giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn”.
Từ 5 giá trị cốt lõi của mình, PV GAS cũng xây dựng nên bộ quy ước văn hóa ứng xử trong Tổng Công ty, không chỉ xác định hành vi chuẩn mực mà cách ứng xử của CBCNV PV GAS còn thể hiện thái độ, tâm thế trong “xử lý công việc”, “ứng xử với bản thân, đồng nghiệp”, “ứng xử với khách hàng, đối tác”… đến “ứng xử trên mạng xã hội”.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, PV GAS đã có bản sắc văn hóa doanh nghiệp riêng biệt (cấp độ 3). Chính vì vậy, trong những năm tới, PV GAS sẽ tập trung phát huy bản sắc văn hóa của mình, thực hiện các chương trình thực hành thông qua phong cách, lề lối làm việc, tổng kết tôn vinh các điển hình tiên tiến trong xây dựng văn hóa để tiếp tục nâng tầm bản sắc văn hóa PV GAS. Đặc biệt, việc tuân thủ và tự hào phát triển các giá trị văn hóa Petrovietnam sẽ luôn luôn được PV GAS đặt làm kim chỉ nam hành động, kiên quyết xiết chặt đội ngũ, đóng góp một phần không nhỏ vào nền Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới.