Vừa qua, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tổ chức Hội thảo về văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực An toàn – Sức khỏe – Môi trường – PCCC, tại trụ sở Tổng công ty ở TP HCM.
Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu Khí quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế. PV Gas có bảy công ty thành viên, bao gồm: Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam PV Gas D (bao gồm Công ty Phân phối Khí thấp áp Miền Bắc, Nhơn Trạch và Vũng Tàu), Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (PV Gas South), Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Bắc (PV Gas North), , Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép Dầu Khí Việt Nam (PV Pipe), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG), Công ty liên danh LNG Việt Nam (LNG).
Hội thảo nhằm tạo điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuân thủ các văn bản pháp luật trong lĩnh vực an toàn giữa các đơn vị thành viên, trực thuộc PetroVietnam Gas (PV GAS). Qua đó, tổng hợp các vướng mắc trong công tác an toàn để chuyển cơ quan chức năng làm rõ, sửa đổi cho phù hợp thực tế.
Tại Hội thảo, các Ban, đơn vị của PV GAS đã trình bày các tham luận về việc tuân thủ các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn (các văn bản Luật, Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn từ quá trình lập dự án, thiết kế dự án, thẩm định, chạy thử, vận hành,…); đồng thời thảo luận, trao đổi kiến thức, vướng mắc khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các văn bản pháp luật đó tại đơn vị.
Cụ thể, tham luận “Tổng hợp các quy định về PCCC, vướng mắc & các lỗi thường gặp” của Công ty Khí Cà Mau tập trung vào các lỗi dễ vi phạm của các đơn vị trong Tổng công ty liên quan đến lĩnh vực PCCC, nguyên nhân chủ yếu do việc đánh giá tuân thủ văn bản pháp luật chưa được kỹ càng, việc hiểu các quy định pháp luật cũng chưa đồng nhất dẫn đến cách hiểu, triển khai khác nhau.
Công ty Chế biến khí Vũng Tàu với tham luận “An toàn trong kinh doanh khí các vấn đề cần lưu ý”, tập trung các vướng mắc liên quan đến việc xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với trạm cấp LPG, quy định chưa rõ ràng về hàm lượng chất tạo mùi trong LPG, Quy định khoảng cách an toàn trong công trình dầu khí hiện đang chưa phù hợp với thực tế vì một số công trình hiện hữu không phù hợp về khoảng cách, hoặc hiện nay có quá nhiều kế hoạch đối với đối tượng dầu khí (như Phương án CNCH cơ sở; Phương án PCCC cơ sở xây dựng; Phương án PCCC của CS PCCC; Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; Phương án Bảo vệ môi trường…).
Công ty Quản lý Dự án Khí trình bày tham luận “Các quy định của pháp luật về an toàn liên quan đến triển khai dự án”, trong đó chỉ ra vướng mắc tại Điều 4 quyết định 04/2015/QĐ-TTg quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí. Theo đó, quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xây dựng các tài liệu về quản lý an toàn: Chương trình quản lý an toàn, Báo cáo đánh giá rủi ro, Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trình Bộ Công Thương chấp thuận trước khi tiến hành các hoạt động dầu khí mà không quy định cụ thể cấp dự án hoặc tổng mức đầu tư dự án là bao nhiêu mới phải thực hiện yêu cầu này, dẫn tới một số dự án có tổng mức đầu tư nhỏ khoảng vài tỷ đồng cũng phải lập và trình các tài liệu trên, là nguyên nhân làm kéo dài tiến độ dự án và tốn chi phí cho việc lập và phê duyệt các tài liệu này, mà chi phí này chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng mức đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, các đơn vị còn chỉ ra một số vướng mắc khác như: Việc kiểm định các thiết bị phòng nổ yêu cầu phải có hồ sơ, lý lịch, bản vẽ chế tạo tuy nhiên trên thực tế một số thiết bị không có bản vẽ chế tạo do nhà sản xuất không công bố; Đối với các nồi gia nhiệt dầu nếu thực hiện theo quy trình kiểm định của BLĐTBXH sẽ khó thực hiện theo yêu cầu khám nghiệm kỹ thuật; Quan trắc môi trường xung quanh theo nội dung cam kết tại báo cáo Đánh giá tác động môi trường có nhiều chỉ tiêu hiện nay không còn phù hợp nhưng chưa được cơ quan nhà nước chấp thuận bỏ ra khỏi thông số quan trắc…
Tại Hội thảo, các đơn vị cũng đã trình bày các quy định mới trong công tác đăng kiểm, kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh lao động trong kinh doanh khí; quy định về quản lý an toàn hóa chất; các quy định trong công tác bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khí,… và chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị trong thực hiện công tác an toàn.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng tham luận từ các đơn vị và sự tham gia thảo luận tích cực của các đại biểu, Hội thảo đã thành công tốt đẹp, đem đến những kiến thức mới, những cập nhật quan trọng về các chính sách pháp luật trong công tác an toàn, đồng thời tạo kênh chia sẻ thông tin nội bộ hiệu quả trong việc triển khai các quy định nhà nước. Qua đó, giúp cho việc thực hiện, tuân thủ pháp luật liên quan đến công tác an toàn được tốt hơn, nâng cao hiệu quả công tác này trong hoạt động SXKD của PV GAS nói chung cũng như của các đơn vị thành viên PV GAS nói riêng.