Bản Lĩnh Và Sức Bật Tuổi Trẻ Của Kỹ Sư Trần Quốc Hải

      Comments Off on Bản Lĩnh Và Sức Bật Tuổi Trẻ Của Kỹ Sư Trần Quốc Hải

Kỹ sư Trần Quốc Hải không ngại dấn thân, nhận những nhiệm vụ khó khăn để thử thách bản thân. Những sáng kiến và giải pháp tối ưu đem lại hiệu quả cao trong công việc là kết quả đáng ghi nhận của người kỹ sư trẻ. Vừa qua, Hải vinh dự được Công đoàn Dầu khí Việt Nam tuyên dương là “Người lao động dầu khí tiêu biểu 2019”.

Trần Quốc Hải sinh năm 1987 ở Hà Tĩnh, mảnh đất được mệnh danh “Giang sơn tụ khí”, nổi tiếng hiếu học và học giỏi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2011, khi Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) tuyển nhân sự cho Dự án Kho LPG lạnh Thị Vải, chàng kỹ sư trẻ mạnh dạn nộp hồ sơ thi tuyển và trở thành kỹ sư dự án của PV GAS đến hôm nay.

Kỹ sư Trần Quốc Hải

Kỹ sư Trần Quốc Hải

“Con tằm nhả tơ”

Hiện tại, công việc của Hải là tham gia quản lý các dự án đầu tư xây dựng của PV GAS tại Công ty Quản lý dự án khí. Trong 8 năm đi cùng các dự án khí, Hải đã trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau. Ban đầu, Hải được giao chịu trách nhiệm quản lý hạng mục điện của các dự án. Bằng sự làm việc tận tâm, trách nhiệm, hiệu quả, từ năm 2016 đến nay, Hải được tín nhiệm phân công chịu trách nhiệm nhiều hạng mục công trình hơn và đảm nhận những vị trí đa dạng hơn như điều phối viên dự án, giám đốc dự án…

Quản lý dự án là công việc yêu cầu có hiểu biết rộng về các vấn đề kỹ thuật, các vấn đề liên quan đến pháp lý, tiến độ, dòng tiền… Mỗi dự án lại có những vấn đề khác nhau nên khó có thể xây dựng được một công thức chuẩn chung cho tất cả mà đòi hỏi người quản lý dự án phải luôn luôn học hỏi từ chính những phát sinh trong công việc, rút kinh nghiệm từ những công trình trước, nhạy bén “học” từ các kỹ sư đối tác. Người quản lý dự án lại là người tiếp xúc với các cơ sở hạ tầng của dự án từ lúc bắt đầu thiết kế đến khi hoàn thiện, vì thế người kỹ sư sẽ hiểu được bản chất, nguyên lý vận hành, nhanh chóng khắc phục khi có sự cố xảy ra.

Theo thiết kế ban đầu, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau có phát sinh một lượng khí permeate gas (khí chứa tỷ lệ CO2 cao, khoảng 54%), lượng khí này chưa được tận dụng mà đang phải đốt bỏ. Thấy có thể tận dụng được nguồn khí này, Hải và các đồng nghiệp tại công ty đã thảo luận, nghiên cứu và trình lên cấp lãnh đạo việc thu gom lượng khí đó phục vụ cho sản xuất.

Được sự tin tưởng của ban lãnh đạo cũng như sự phối hợp hỗ trợ từ đồng nghiệp, Hải đảm nhiệm vai trò Giám đốc Dự án “Hệ thống cấp khí Permeate Gas từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau cho Nhà máy Đạm Cà Mau”. Sau khi hoàn thiện dự án, Công ty Khí Cà Mau (KCM – doanh nghiệp vận hành Nhà máy Xử lý khí Cà Mau) đã cung cấp lượng khí tận dụng được này cho Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau để phục vụ việc sản xuất ở Nhà máy Đạm Cà Mau. Với mức đầu tư thấp (khoảng 12 tỉ đồng), nhưng khi dự án đưa vào vận hành đem lại doanh thu cho PV GAS khoảng 65.000 USD/tháng, tương đương 18 tỉ đồng/năm (theo số liệu thống kê tháng 3-2019 của KCM, khi dự án bắt đầu đưa vào vận hành). Thay vì đốt bỏ, dự án được triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của PV GAS và góp phần tối ưu hóa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng.

Nhiều năm công tác tại Công ty Quản lý dự án khí, Hải đã đối mặt với nhiều thách thức cũng như được trao nhiều cơ hội để phát huy khả năng về chuyên môn. Như một “con tằm nhả tơ”, năm vừa qua, kỹ sư Hải cùng đồng nghiệp đã có thêm những sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực như: Phương án cấp nguồn cho hệ thống DCS mới – công trình nâng cao hiệu suất thu hồi LPG tại Dinh Cố; dùng phương pháp khoan cấy cốt thép làm móng gối đỡ ống pipe support và móng cụm metering Dự án “Hệ thống cấp khí Permeate Gas từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau cho Nhà máy Đạm Cà Mau”.

Hoàn thiện bản thân

Trần Quốc Hải nhận thấy thiền trong Phật giáo mang lại cho tâm – thân – ý nhiều điểm sáng. Trong công việc, cuộc sống, có những lúc khó khăn tưởng như không thể vượt qua hay ngay như cảm giác tưởng chừng nhỏ nhặt đó là cô đơn vì nhớ nhà (bởi đặc thù công việc là giám sát dự án nên Hải thường xuyên đến những vùng đất mới, triển khai các dự án mới, phải xa gia đình, bạn bè) mà công việc cũng luôn có yêu cầu tiến độ rất cao.

Hải kể: “Cuối năm 2012, lúc đó phải tiến hành chạy thử Dự án Kho LPG lạnh Thị Vải vào dịp Tết Nguyên đán nên tôi phải ở lại trực Tết. Đó là lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, đêm 30 nhớ nhà đến quay quắt”. Rồi những khi chịu áp lực lớn vì cần bàn giao cho kịp tiến độ, anh em kỹ sư phải làm việc 200% công suất để theo sát nhà thầu, không để sự cố xảy ra. Hải thiền tịnh trong lúc bị cảm xúc chi phối, Hải luôn dùng lý trí để vượt qua chính mình. Anh tự nhận rằng, bản chất của trai Hà Tĩnh là trách nhiệm, cầu tiến nhưng cũng có hơi nóng tính.

Thông thường, đối với các doanh nghiệp không có bộ phận chuyên về quản lý dự án, khi có một dự án mới sẽ thành lập một ban quản lý dự án. Sau khi triển khai xong dự án, ban quản lý dự án đó sẽ được giải thể. Với hình thức như vậy, kinh nghiệm từ các dự án trước sẽ không được truyền lại khi triển khai các dự án sau. Tuy nhiên, tại PV GAS (PetroVietnam Gas), việc thành lập Công ty Quản lý dự án khí là doanh nghiệp chuyên quản lý dự án đã khắc phục được những hạn chế đó. Nhân sự của công ty luôn được đào tạo, học hỏi thêm những điều mới, đặc biệt là được truyền tải kinh nghiệm thực tế, kiến thức một cách hiệu quả qua hình thức đào tạo nội bộ. Cá nhân Hải luôn tự khuyến khích bản thân học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, cũng như chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trẻ hơn, để luôn có sự tiếp nối trong công việc, để các bạn trẻ có thể đảm nhiệm các vị trí lớn hơn trong công tác quản lý dự án của công ty.

Việc học tập, nâng cao năng lực chuyên môn là công việc bắt buộc do công tác quản lý dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành. Không có kỹ sư nào được đào tạo hết các chuyên ngành, vì vậy để trở thành một kỹ sư giỏi thì sự đam mê, yêu nghề sẽ là đòn bẩy thúc đầy bản thân tự học thêm chuyên ngành khác. Hải là kỹ sư điện – tự động hóa, nên cần tìm hiểu, đọc các tài liệu về công nghệ hóa dầu, cơ khí, xây dựng… Hải mong muốn sắp tới sẽ học lấy chứng chỉ quản lý dự án chuyên nghiệp PMP.

Ngoài công tác chuyên môn, nói đến kỹ sư Hải, bạn bè, đồng nghiệp nghĩ ngay đến con người nhiệt tình trong các hoạt động đoàn thể. Là người tình nguyện nhiệt tâm, anh cùng với Công đoàn, Đoàn Thanh niên của công ty đã tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội, không ngại khó, ngại khổ với những chuyến đi thiện nguyện nơi vùng sâu, vùng xa. Gần đây nhất là việc Hải tham gia tổ chức chương trình xây cầu cho Trường Tiểu học Khánh Bình Đông 3, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; tổ chức chương trình Marathon để quyên góp tiền cho bệnh nhi nghèo; tổ chức quyên góp tiền cho lớp học tình thương tại quận 7 (TP HCM).

Người kỹ sư làm việc bằng cả trái tim ấy quan niệm rằng, tuổi trẻ cần dấn thân, trách nhiệm, đam mê và luôn tìm những điều mới, thú vị trong công việc. Anh thường tự nhủ: “Mình đã rất may mắn khi gặp được nhiều cơ duyên tốt đẹp trong cuộc đời cũng như công việc nên không được tự mãn với những thành tựu đã đạt được mà phải phấn đấu từng giờ, từng ngày để hoàn thiện bản thân”.

Dự án “Hệ thống cấp khí Permeate Gas từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau cho Nhà máy Đạm Cà Mau” cung cấp lượng khí tận dụng cho Nhà máy Đạm Cà Mau. Với mức đầu tư thấp (khoảng 12 tỉ đồng), dự án đưa vào vận hành đã đem lại doanh thu cho PV GAS khoảng 65.000 USD/tháng, tương đương 18 tỉ đồng/năm.